LỄ
THÁNG BẢY – CHO NHỮNG OAN HỒN PHIÊU BẠT
Thích
nữ Liên Nhẫn
“Ta về
cầm sợi mưa ngâu
Hỏi
trăng tháng Bảy vì đâu ngậm ngùi…”
Tục truyền: “Tháng Bảy mưa ngâu”.
Trong các sinh hoạt dân gian của truyền thống ta, tháng Bảy là tháng đượm nhiều
sắc thái văn chương nhất: “Tháng Bảy mưa ngâu, nhịp cầu Ô Thước” bắc qua dải
Ngân Hà. Để hai tâm hồn lẻ loi cô độc, hằng đêm tư lự trong nỗi sầu ly biệt
thiên thu. Giữa bầu trời cao rộn, suốt một mùa mưa sụt sùi, họ chờ đợi để được
gặp nhau chỉ trong thoảng chốc, rồi đời cũng như con nước trôi xuôi. Đây đó
trong những cụm rừng khuya u tịch, vẫn có những oan hồn cô độc đang lần mò tìm
lại nẻo sống của một thời xa xưa. Kẻ chết và người sống khéo hẹn nhau để chu
tất những món nợ oan tình đã từng chôn xâu dưới lòng đất. Khi đêm càng về
khuya, âm hưởng trầm buồn của người sống phảng phất trong những buổi lễ cúng
thí âm linh cô hồn lẫn với tiếng trùng dế nỉ non, thì mình tự của kẻ chết và
người sống nghe càng da diết vô cùng…
“Cô hồn thập loại biết là đâu
Hồn phách mở màng trải
mấy thu
Cồn biển nghinh ngang bao
hồn lẻ
Những mồ vô chủ thấy mà
đau...”
Trong các lễ cúng thí cô hồn thì
trai đàn chẩn tế được tổ chức quy mô nhất. Nó bao hàm cả hai khía cạnh văn
chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởng và văn học phật giáo Đại
thừa Mật tỏng được gói trọn vào đây. Về hình thức, trai đàn này dựa trên nền
tảng của triết học Mật giáo, cách bố trí theo một hình thức đơn giảng của
Mandala (Mạn-đà-la). Đó là một vòng tròn tượng trưng cho một đóa hoa sen bừng
nở trọn vẹn. Vòng tròn này cũng là căn bản vũ trụ luận của Mật giáo. Thường có
hai bộ: Kim cang giới Mandala – biểu trưng cho trí tuệ sở chứng của Đức Phật và
Thai tạng giới Mandala biểu tượng cho phương tiện độ sanh của Ngài. Mỗi Mandala
ấy đều dựa trên một số chủ điểm của Đại thừa Phật giáo. Đặc điểm của trai đàn
chẩn tế là thực hành nghi lễ không quá long trọng, rườm rà, nhưng cũng không
quá sơ sài, bởi thời gian cúng thí không được quá giờ Hợi, vào giờ này, quỷ thần
không còn ăn uống được nữa. Nét đặc biệt khi thiết lễ chẩn tế là không chỉ thỏa
mãn tín ngưỡng mà còn mang đậm giá trị văn chương và nghệ thuật qua giọng điệu
thành khẩn thiết tha. Người nghe mà hiểu thì có thể thấy cái đặc vị văn chương
của nó không lấy người sống làm đối tượng tình tự, được phát tiết như là những
tiếng ngậm hờn thiên cổ - sống không nói được; chết chôn vùi theo cát bụi. Văn
chẩn tế điệu luyện mà tao nhã, ý tứ thâm trầm mà nhiều ray rứt. Đại thi hào dân
tộc Nguyễn Du có bài “Văn tế thập loại cô hồn” nổi tiếng và được lưu hàng rộng
rãi trong nhân gian.

Người
sống mà nghe được thì cũng có thể nghe ra một nỗi đời hư huyễn nào đó. Giấc
mộng công hầu khanh tướng hay khát vọng trường sanh, tất cả đều trở thành những
nỗi oan khuất theo xác thân tứ đại giả hợp này xuống tận đáy mồ!
“Lục
đạo xoay vần không mối hở
Vô
thường xô đến vạn duyên buôn”.
Trong
biết bao oan hồn cô độc lẩn quẩn nơi dương thế có được bao nhiêu tìm thấy nẻo
chánh mà về, có bao nhiêu linh hồn biết nương tựa nơi cửa từ bi mà tầm giải
thoát…
“Cô
hồn ơi hỡi cô hồn
Cuộc
đời nay biển mai còn tỉnh chưa?
Tỉnh
rồi một giấc say sưa
Sẽ xin
niệm Phật mà đưa hồn về”!
Đã
có lắm người tự hỏi ước mong muôn thưở của nhân sinh là gì? Bao mối hận mà lúc
sống không giải quyết xong, bây giờ chôn vùi dưới đất nghìn năm, biết bao giờ
mới có thể xóa nhòa để “Thoát mê đồ hồn nhẹ bước phiêu diêu”. Chẳng phải riêng
kẻ phàm phu tục tử lúc chết mới bị nghiệp quả lôi kéo mà trở thành oan hồn lai
vãng, lẩn khuất nơi đời, mà ngay cả người xuất gia không khéo cũng sẽ rơi vào
ác đạo. Hành giả tu đạo nên lấy hình ảnh vị sư hóa quỷ: “Lâm bệnh ngọa tại
sàng. Nhất dạ ẩm kê thang” để luôn cảnh tỉnh chính mình. Chắc gì lúc ấy có
người khai ngộ: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh/ Đồng Phật vãng Tây Phương” cho ta?
Nhất là hàng xuất gia hằng thọ dụng của đàn na tín thí, không khéo:
“Tái
sang chưa dứt hương thề
Làm
thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
Nợ nần
chưa trả cho ai
Hồn
này thác xuống tuyền đài chưa tan…”
Cho
nên tháng bảy cũng là tháng quan trọng trong tư tưởng Phật giáo chứ không riêng
ở trong dân gian. Qua những buổi trai đàn chẩn tế, kỳ siêu bạc độ thí thực âm
linh cô hồn, nhờ sự cầu nguyện và tha lực của chư Phật, của những vị tu hành
đạo cao đức trọng mà âm được siêu, dương được thạnh. Thêm nữa, tháng Bảy lại có
Đại Lễ vu Lan:
“Trung
nguyên ngày hội vọng Vu Lan
Bất
giác chiều thu sóng đạo ngàn
Những
ai là kẻ mang ơn nặng
Đều
vận lòng thành đón Vu Lan ! ”
Vậy
mới biết, có nhiều người trông đợi tháng Bảy đến, để được cài lên ngực bông
hồng đỏ thắm, để hạnh phúc khi thấy rằng mình còn có Mẹ… ! Và biết đâu,
trong màn đêm u tịch lạnh lẽo ngoài kia, cũng có biết bao oan hồn cô độc lẻ loi
đang trông đợi đến tháng bảy – tháng Bảy mưa ngâu – tháng của những oan hồn
phiêu bạt !
Tạp chí Hoa đàm số 24