TINH THẦN DUNG HỢP CỦA PHẬT GIÁO HÒA HẢO Ở MIỀN TÂY NAM BỘ
HVCH Nguyễn Thị
Thu Dung
Tóm tắt: Phật giáo Hòa Hảo là
một tôn giáo ra đời năm 1939 tại tỉnh An Giang thuộc Tây Nam Bộ Việt Nam. Ban
đầu khi mới thành lập thì đây chỉ là một hệ phái của Phật giáo, nhưng chỉ sau
một thời gian ngắn thì tín đồ của tôn giáo này đã phát triển lên đến hơn hai
triệu người và tách ra khỏi Phật giáo để trở thành một tôn giáo độc lập, có
giáo lý, giáo luật và giáo đồ riêng. Bên cạnh sự ra đời dựa trên nền tảng đạo
Phật, Phật giáo Hòa Hảo còn là một tôn giáo dung hợp nhiều yếu tố quá khứ và
hiện tại, bản địa và khu vực xung quanh, trong và ngoài nước...Và đây là lý do
để chúng tôi quyết định đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu về tôn giáo này.
Dẫn nhập
Giống như các tôn giáo khác trên
thế giới Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo đã ra đời trong hoàn cảnh tăm tối
của xã hội miền Tây Nam Bộ, nơi con người chịu
bao khốn cùng, bất công và đáng thương đang tha thiết khẩn cầu sự cứu độ từ các
Đấng Cứu thế đầy quyền năng. Lúc này đây, Phật giáo Hòa Hảo đã ra đời dựa trên
sự dung hợp một cách hài hòa các tôn giáo tín ngưỡng sẵn có, các giá trị văn
hóa dân gian truyền thống và phù hợp với tính cách, căn cơ trình độ của người
Việt miền Tây Nam Bộ, để làm nên một tôn giáo có tính độc lập của một bộ phận
người Việt miền Tây Nam Bộ. Không những vậy, Phật giáo Hòa Hảo còn xây dựng một
hệ thống các chuẩn mực đạo đức làm nền tảng phục hoạt xã hội thời kỳ suy kiệt.
Chuẩn mực đó được xây dựng dựa trên sự chắt lọc các tinh hoa Tam giáo, vừa lấy
giáo pháp chân truyền của Đức Thích Ca Mâu Ni làm căn bản giáo lý, lại lấy các
tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo đã ăn sâu vào những tập tục truyền thống của dân
tộc Việt Nam làm điều kiện và phương pháp tu tập. Với giáo lý huyền diệu ấy,
Phật giáo Hòa Hảo đã trở thành một tổ chức lớn đang hướng dẫn một bộ
phận cư dân noi theo ánh sáng của Ðức Phật, để đưa con người đến những giá trị
chân - thiện - mỹ, bi - trí - dũng, hầu cùng với các Phật tử thế giới và các
giáo phái Phật giáo khắp các quốc gia xiển dương đạo Phật, cải tạo xã hội, giải
thoát con người.
Cội nguồn của sự dung hợp
Cội nguồn sự dung hợp chính là ở vùng đất và
con người Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở sự hình thành tính cách người Việt miền Tây
Nam Bộ trên tiến trình lịch sử Nam tiến kéo dài suốt gần ba thế kỷ. Cột mốc
đánh dấu sự khởi đầu cuộc Nam tiến đó có thể kể từ năm 1558 khi chúa Nguyễn
Hoàng quyết định vào đất Thuận Hóa cho đến năm 1757 khi mảnh đất cuối cùng của
khu vực Tây Nam Bộ ngày nay chính thức trở thành lãnh thổ của Việt Nam. Nơi đây
từ rất sớm đã xuất hiện dấu ấn của con người. Theo tư liệu khảo cổ học thì từ
thế kỷ I đến thế kỷ VII đã có sự hiện diện của cư dân Phù Nam được biết đến
nhiều với nền văn hóa Óc Eo đồ sộ (nay thuộc tỉnh An Giang). Sau thế kỷ VII,
vương quốc Phù Nam suy yếu, vùng đất này bắt đầu có sự hiện diện của người Chân
Lạp (người Khmer). Người Chân Lạp đã rất khôn khéo trong việc chọn những mô đất
cao dọc sông Tiền và sông Hậu để cư trú, tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác
trồng trọt mà không phải lao động vất vả và mạo hiểm đi khai hoang các vùng đất
thấp trũng. Cư dân Việt đến sau, và phần lớn
không thể hợp cư với người Chân Lạp nên lại tiếp tục duy chuyển về hướng Nam để
khai hoang những vùng đất mới, và đây là một hành trình đầy rẫy sự nguy hiểm và
khó khăn. Người Việt đến đây từ thế kỷ XVII (thuộc giai đoạn người Chân Lạp đang
thống trị vùng đất này), họ là những lưu dân vì miếng cơm manh áo phải “tha
phương cầu thực”, hoặc để tránh chuyện binh đao triền miên giữa hai họ Trịnh -
Nguyễn mà phải ngậm ngùi rời xa xứ sở quê hương.
Thân phận của người lưu dân lúc ấy càng cơ cực
hơn vì không được sự bảo hộ của nhà nước phong kiến đương thời, hành trang họ
mang theo không có gì ngoài những giá trị tinh thần truyền thống, các phong tục
tập quán đã có từ ngàn xưa. Năm 1623, do có được cuộc hôn nhân chính trị giữa
công chúa Ngọc Vạn và vua Chân Lạp là Chey Chetta II, nên vua Chân Lạp đã đồng ý cho Chúa
Nguyễn xây dựng một trạm thu thuế ở Nhà Bè vừa tạo
kinh phí cho nhà Chúa, vừa hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho lưu dân người Việt nơi
đây. Đến thế kỷ XVIII, một số lưu dân người Hoa, người Chăm cũng đến vùng này
để sinh cơ lập nghiệp góp phần thúc đẩy công cuộc khẩn hoang. Năm 1757 là cột
mốc đánh dấu sự hoàn thành công cuộc khai phá vùng đất Tầm Phong Long (bao gồm
phần lớn diện tích An Giang thời Nam Kỳ lục tỉnh), vùng đất cuối cùng tại Tây
Nam Bộ. Như vậy, có thể thấy Tây Nam Bộ không những là nơi hội tụ đa dân tộc
(chủ yếu là Kinh, Hoa, Chăm, Khmer), đa tôn giáo (bao gồm các tôn giáo ngoại
nhập và bản địa), mà còn đa thành phần của xã hội (phần lớn là những người
thuộc tầng lớp bần cùng, khốn khổ, ít học) khi gặp nhau trên mảnh đất này, họ
như tìm thấy một sự đồng cảm và chia sẻ từ những người cùng chung số phận.
Cuộc sống buổi đầu khai hoang vùng đất mới vô cùng khó khăn
và gian khổ, vì lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất ma thiêng nước độc này thì
họ không thể tránh khỏi sự hoang mang lo sợ. Mọi thứ xung quanh đều trở thành
sự đe dọa đối với họ, kể cả những điều bình thường nhất trong cuộc sống “Tới đây xứ sở lạ lùng, Con chim kêu phải sợ,
con cá vùng phải kinh!”. Họ không chỉ phải đương đầu với sơn lam chướng khí, với
thú dữ bạo hành “Xuống sông sấu ních, lên rừng cọp tha”, mà còn gặp cảnh triền miên đói nghèo do cường sơn thảo
khấu… Chính vì vậy, họ không thể không bảo vệ và thương yêu giúp đỡ lẫn nhau,
cùng nhau đoàn kết chống kháng thù trong giặc ngoài. Vì sớm ý thức được nỗi
đau khổ của nạn giặc giã, của đói kém mà người Tây Nam Bộ đã thể hiện rất cao ý
chí, lý tưởng xây dựng một xã hội an lành, họ chí thú làm ăn và sáng tạo trong lao
động sản xuất, dần dần họ cũng khắc phục được mọi khó khăn, biến vùng đất hoang
sơ trở thành vùng đất lành, cuộc sống của người dân cũng dần dần ổn định, phát
triển. Người Tây Nam Bộ cũng rất thật thà, tính nết đôn hậu hiền
hòa, nhưng rất khí khái có chút ngang tàng mà đầy đạo lý (đạo lý của người Tây
Nam Bộ) “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Người Nam Bộ quan niệm rằng thấy việc nghĩa
mà không làm thì không phải là người dũng, thấy người lâm nguy mà không ra tay
cứu giúp thì không phải anh hùng, mà hễ đã ra tay thì "thi ân bất cầu báo” làm việc nghĩa không đợi trả ơn. Do
tuyệt đại bộ phận đều là nông dân chân chất, lại sống trong môi trường thiên
nhiên ưu đãi, đâu đâu cũng “trên cơm dưới cá”, tất nhiên đó là thành quả của
lao động sáng tạo, phải vật lộn với vô vàn khó khăn mới có được nên họ chỉ biết
“ăn ngay nói thẳng”, không quanh co, ghét vòng vo lý luận, lại luôn tỏ ra hào
phóng, trọng nghĩa khinh tài và nhất là rất hiếu khách. Người nông dân Tây Nam
Bộ do không có điều kiện học nhiều, cho nên họ rất quý trọng người có học vì họ
cho rằng: chỉ có học có biết mới có thể giữ gìn gia phong lễ giáo và lề lối cha
ông hàng ngàn năm để lại.
2.Sự hình thành
của Phật giáo Hòa Hảo dựa trên các giá trị văn hóa dân gian truyền thống
Phật giáo Hòa Hảo được ông Huỳnh Phú Sổ (1920 - 1947) sáng lập ra ngày 18
tháng 5 năm 1939 tại làng Hòa Hảo thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang và phát
triển rộng ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Sự ra đời của Phật giáo Hòa Hảo gắn liền với đặc điểm tâm lý, lối sống, các giá
trị văn hóa truyền thống của người Tây Nam Bộ và có liên quan đến môi trường
kinh tế - xã hội - chính trị trên vùng đất này. Bên cạnh đó, sự ra đời của Phật giáo Hòa Hảo còn do tác động của các phong
trào chấn hưng Phật giáo của các tôn giáo bản địa, sự dung hợp với các tôn giáo
du nhập từ ngoài vào để tạo nên giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người
Việt vùng Tây Nam Bộ. Phật giáo Hòa Hảo ra đời khi cảnh thanh nhàn của miền quê
Tây Nam Bộ chợt biến mất, đó là lúc tiếng súng
của thực dân Pháp nổ lên lần đầu tiên năm 1858 tại Đà Nẵng, rồi sau đó
không lâu, năm 1859, thực dân đánh vào Sài Gòn
Gia Định. Năm
1862 ba tỉnh miền Đông rơi vào tay Pháp, và
đến năm 1867 toàn bộ khu vực Nam Kỳ Lục Tỉnh đều nằm dưới quyền kiểm soát của
người Pháp. Sau khi chiếm được Nam Kỳ, người Pháp thi hành ngay chính sách “đại
khai thác thuộc địa” làm cho cuộc sống người dân lâm vào khủng hoảng nặng nề về
vật chất lẫn tinh thần. Hậu quả của cuộc đại khai thác đó là sự khủng hoảng
kinh tế - chính trị ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng
này càng trầm trọng và ác liệt hơn bởi sự đàn áp công cuộc nổi dậy của các lực
lượng nghĩa quân kháng chiến chống Pháp.
Giữa bối cảnh
lịch sử u tối đó, Phật giáo Hòa Hảo ra đời tạo cho người dân một niềm tin, một
hy vọng nào đó vào
một Đấng cứu thế để làm chỗ
dựa tinh thần vững chất. Trên cơ sở đó, Phật giáo Hòa Hảo không ngừng phát huy
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên tinh thần dung hợp, dung hợp giữa
nổi đau mất nước và tinh thần nhiệt huyết cứu nước, chỉ ra thực tại đen tối của
xã hội để làm sáng lên các giá trị truyền thống của người Việt, mà điển hình
là: các thuần phong mỹ tục của hàng ngàn năm, các giá trị từ bi bác ái của nhà
Phật, các chuẩn mực đạo đức của nhà Nho và tinh thần hoà quang đồng trần, thanh thản,
lạc quan yêu đời, yêu nhân loại của dân tộc và cũng là của Đạo gia. Tất cả đã làm nên Phật giáo Hòa Hảo một
tôn giáo mới của phần đông người nông dân Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói
chung.
Sau khi
ra đời trên mảnh đất miền Tây không lâu, Phật giáo Hòa Hảo nhanh chóng đã
được người dân tiếp nhận và có đông đảo tín đồ tin theo, vì nó có thể dung hợp
được các nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần của họ. Về tinh thần, giáo lý của
Phật giáo Hòa Hảo không ngoài đạo Phật, nhưng đã được vị giáo chủ họ Huỳnh Canh Tân, giản lược, lại
thêm vào chút dân ca nhạc điệu cho phù hợp với căn cơ trình độ và tính cách của
người nông dân Tây Nam Bộ. Về vật chất, đa phần tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo là
cư sĩ tại gia hay nói theo cách của tín đồ nông dân là “Ta là cư sĩ canh điền, Lo
nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành”.
Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo nhập thế nên dù là người tu hành nhưng không xao
lãng việc đồng áng, không quên trách nhiệm với gia đình, xã hội, quê
hương đất nước và đồng bào, nhân loại. Hướng đến tiêu chí tận độ của nhà Phật,
nên bất kỳ ai chỉ cần có lòng hướng Phật đều có thể trở thành tín đồ của đạo.
Tính dung hợp của Phật giáo Hòa Hảo không dừng lại trong phạm vi các giá trị
truyền thống mà nó còn dung hợp cả với các giá trị ngoại lai, tiêu biểu nhất và
sâu sắc nhất là “Tam giáo đồng quy” ấy bao gồm Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.
Ba tôn giáo này tuy không sinh ra trên đất nước ta nhưng nó đã trở thành một phần không thể thiếu để làm
nên con người Việt Nam.
Để rồi nó trở thành một chuẩn mực giá trị mà tôn giáo nào cũng phải hướng đến
và Phật giáo Hòa Hảo cũng không ngoại lệ. Các giá trị ấy được Đức Huỳnh giáo
chủ vận dụng rất linh hoạt để làm nên tôn giáo của mình.
Phật giáo là một trong những tôn giáo cổ nhất thế
giới, ra đời vào thế kỷ thứ VI tr.CN ở phía Bắc Ấn Độ. Người sáng lập ra Phật
giáo là Thái tử Siddhartha (Tất-Đạt-Đa) con vua Sudhodana (Tịnh
Phạn Vương) nước Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ), Ngài xuất thân từ dòng họ Gotama
(Kiều-tất-la) thuộc bộ tộc Sakja (Thích Ca). Phật giáo ra đời trong bối cảnh xã
hội Ấn Độ đầy sự bất công do sự phân tần giai cấp, xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ
được phân thành bốn giai cấp cụ thể: 1. Brhmanes (Bà-la-môn) đây là hàng các
giáo sĩ; 2. Kastryas (Sát-đế-ly) là hàng vua chúa, quý tộc; 3. Vaisyas (Vệ-xá)
là hạng thương gia, chủ điền; 4. Souđras (Thù-đà-la) là tầng lớp nô lệ; ngoài
bốn cấp trên dưới cùng còn có một hạng người được cho là hạ tiện nhất là Parahs
(Ba-ri-a) bị xem như thú vật, sống ngoài lề xã hội đầy khổ nhục và tối tăm, đời đời nô lệ.
Chính sự phân chia bất công như vậy đã tạo nên một xã hội Ấn Độ đầy những sự
“khổ” và những con người luôn khao khát tình thương, sự bình đẳng và giải
thoát.
Để giải thoát sự khổ ấy, Đức Thích Ca
với lòng từ bi vô hạn và đức hy sinh rộng lớn Ngài đã đem đạo pháp giáo hóa vô
số chúng sinh thoát vòng khổ não. Bỡi lẽ ấy mà đạo Phật ra
đời, tồn tại và phát triển cho đến hôm nay. Như Đức Phật từng nói mọi vật là vô
thường, đạo của Ngài cũng không tránh khỏi quy luật ấy. Chỉ một trăm năm sau
khi Đức Phật nhập diệt thì trong hàng tăng chúng đã sảy ra nhiều sự bất đồng
trong đó trọng tâm là sự bất đồng về giới luật,
đã dẫn đến hình thành các chi phái, bộ phái
khác nhau. Khoảng năm trăm năm sau khi Ngài nhập diệt, nhất là lúc Hồi giáo xâm nhập vào đất Ấn, thì đạo Phật nơi đây đã lu mờ dần. Và theo quy luật biến dịch của tạo hóa, đạo
Phật không mất đi mà từ vùng trung tâm Ấn Độ lan ra khắp các nước trong khu vực, nhất là vào thế kỷ thứ III Tr CN dưới vương triều Asoka (A
Dục), một vị hoàng đế hộ pháp với chủ trương truyền bá Phật giáo ra quốc tế
bằng hai con đường Nam truyền và Bắc truyền. Từ đó về sau
Phật giáo nhanh chóng đã trở thành một tôn giáo lớn và trở thành quốc giáo của
nhiều quốc gia trên thế giới.
Trở lại với đạo Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây
Nam Bộ Việt Nam, vị giáo chủ họ Huỳnh đã nhận thấy được sự tương đồng về nguyên
nhân và kết quả ra đời Phật giáo với nhu cầu cho ra đời một tôn giáo mới tại nơi đây,
nên Ngài đã lập đàn khai đại đạo “Phật giáo Hòa Hảo”.
Ngài đã dựa trên giáo lý về nguyên nhân của sự khổ và phương pháp tu tập giải
thoát sự khổ của Phật giáo để đi đến giải thoát sự khổ cho nhân
dân trong thời Pháp thuộc đầy sự bất công và bế tắc. Các giáo lý ấy không ngoài
Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tam
nghiệp, Thập ác, Ngũ giới, Lục
độ, Thập nhị nhân duyên... Bên
cạnh đó, Phật giáo Hòa Hảo còn thể hiện tinh thần từ bi khắp đại đồng qua công
tác hành thiện, bố thí.
Nho
giáo (Khổng giáo) là một tôn giáo dựa trên học thuyết triết học đạo
đức được Khổng Tử xây dựng, sau đó lại được các môn đệ của ông phát triển và
nằm trong hệ thống các tôn giáo lớn ở Trung Hoa. Mục đích của Nho giáo
là muốn ổn định xã hội, bảo vệ an ninh đất nước. Muốn được vậy mỗi người trong
xã hội phải biết “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, phải tuân thủ
“thuyết chính danh”. Tu thân là tiêu chí và là bước đầu tiên để đạt đến mục
đích ổn định xã hội. Tu thân có nghĩa là
mọi người phải học để trở thành người quân tử. Học ở đây là học Tứ thư và Ngũ
kinh để hiểu “tam cương”, “ngũ thường”. Người quân tử phải có “nhân, lễ, nghĩa,
trí, tín”, phải biết tôn ti trật tự, phân định rõ giai
cấp thứ bậc như: đạo quân thần, đạo phụ tử và đạo phu thê. Khổng Tử tin rằng
chỉ cần làm được các điều ấy, cùng tinh thần “trung dung” hài hòa vạn vật trong
vũ trụ thì xã hội sẽ có trật tự và thiên hạ thái bình.
Là người thấm nhuần tư tưởng Tam giáo, Đức Huỳnh giáo
chủ đã vận dụng khéo léo tinh thần của đạo Khổng để dung hòa ổn định an ninh
chính trị miền Nam Việt Nam thời thuộc Pháp, để khôi phục nền tảng đạo đức đang
suy đồi, để chống lại các tệ nạn, các bại tục từ phương Tây đưa vào. Sự vận
dụng này không hoàn toàn rập khuôn mà được dung hợp và biến đổi cho phù hợp với
địa văn hóa vùng và nhu cầu của lịch sử. Ngài đã làm mất đi tính độc đoán, cứng
nhắc, gia trưởng của Nho học mà thay vào đó là sự bình đẳng, linh hoạt và tinh
thần bao dung để phù hợp với tính cách người Việt vùng Tây Nam Bộ. ( còn nữa)