CON
GÁI ĐỨC PHẬT
Hướng Nhật Quỳ
Những tia nắng cuối ngày đã lùi dần về phía
chân trời, nhường chỗ cho màn đêm u tịch đang giăng tấm màn đen qua muôn gốc
cây…Boong … boong … boong…Từng tiếng chuông chùa chậm rãi buông vào khoảng không
những thanh âm trầm hùng vang vọng. Tiếng chuông buổi sớm thức tỉnh xóm làng
sau một giấc ngủ dài, và lại đều đều vang lên mỗi đêm như đánh dấu một ngày đã
kết thúc…Trăng mười sáu tròn vành vạnh, tỏa ra một thứ ánh sáng mát dịu đến
huyền hoặc! Bên mái hiên thoảng chút hương trầm còn vương lại sau khóa lễ tối. Có
một bóng áo lam nhỏ nhắn ngồi lặng lẽ nhìn vào đêm, gương mặt thanh thoát phản
phất nét ưu tư sầu muộn! Cái bóng màu lam khẽ xoay người, tựa vào chậu trúc Yên
Tử, đôi mắt trong veo phản chiếu bóng trăng tung linh tợ mặt hồ. Ấy là Nhật Ân
– cô ni nhỏ vừa trãi qua nỗi đau mất mẹ. Hôm nay là tuần thất đầu tiên của mẹ,
người mẹ đáng kính của nó vừa từ giã cõi đời ô trọc, nhẹ nhàng rời khỏi những
đau khổ mà bà đã chịu đựng mấy chục năm qua để bước lên một cõi giới thanh cao
hơn, nơi ngập tràn hạnh phúc và an lạc. Tuy rằng đã “cắt ái từ sở thân”, nhưng
làm sao có thể tránh khỏi sự đau buồn khi bỗng chốc mất đi người thân yêu nhất,
người đã ban cho nó hình hài, đã luôn ở bên chăm sóc nó mười mấy năm dài!

Đang miên mang trong dòng suy nghĩ, chợt ký ức
nơi đâu bỗng tràn về trong tâm thức, khoảng ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ mà từ
ngày cắt bỏ mái tóc xanh, Nhật Ân tưởng đã không còn nhớ tới… Sinh ra và lớn
lên trong vòng tay yêu thương của hai đấng sinh thành, tuổi thơ của nó là những
tháng ngày hạnh phúc. Từ bé, nó đã sớm có nhân duyên nơi cửa Phật. Một lần nằng
nặc đòi đi tu chỉ vì nghe Ôn giảng Quy Sơn “người xuất gia cất bước là đến
phương trời cao rộng, tâm tư hình dung phải khác hơn kẻ thế tục…”. Ồ, đi một
bước mà đến tận chân trời thì còn tuyệt vời hơn cả phim siêu nhân nó vẫn xem
trên ti vi, thế là bằng mọi giá nài nỉ mẹ dắt lên chùa. Không còn cách nào
khác, mẹ phải cho nó ở lại với sư cụ đôi ngày, chẳng cần đợi lâu, ngay hôm sau
vỡ lẽ ra, nó khóc òa đòi về với mẹ …! Sự ngộ nhận dễ thương ấy cũng là cái
duyên đầu tiên “hạnh ngộ cửa thiền” của nó, đã khởi đầu hành trình tâm linh làm
chuyển hướng cả cuộc đời nó. Năm ấy, Nhật Ân vừa tròn tám tuổi!
Bốn năm sau, nó được dự vào đoàn Oanh Vũ của
gia đình Phật tử. Bắt đầu những ngày sinh hoạt dưới mái chùa. Bắt đầu làm quen
với lời kinh tiếng kệ, với những giờ học giáo lý thấp thoảng bóng áo lam đà,
xen lẫn với tiếng chuông nhịp mỏ… Những ngày chủ nhật ấy, nó cảm thấy vô cùng
hạnh phúc, không giống như những cuộc chơi hay ăn uống vô bổ với bạn bè, mỗi
giờ ở bên cạnh các anh chị đoàn sinh là một giờ thú vị và bổ ích. Đặc biệt là
các khóa lễ trên chánh điện, hình ảnh quý thầy, quý sư cỏ đắp chiếc huỳnh y rực
rỡ cả đại điện trông thật trang nghiêm! Những bước kinh hành an nhiên vững
chãi, cử chỉ, oai nghi từ tốn và thong dong… tất cả những nét đẹp nơi thiền môn
dần lắng đọng và kết tụ thành một khối tâm linh bền chắc trong đầu óc còn non
nớt của cô bé mười hai tuổi… Để rồi hơn ba năm sau, nó nghiêm trang xin phép ba
mẹ cho nó vào chùa tập tu! Ấy là năm cuối cấp II, vừa thi chuyển cấp xong, cô
học trò nhỏ lập tức chuản bị hành trang cho chặng đường mới…
Ngày xuất gia là một ngày rằm trung thu bàng
bạc cả không gian - nó vẫn còn nhớ khi từng lọn tóc mây rơi xuống, nó nghe
tiếng sụt sịt của mẹ và chị, nhưng lạ làm sao. Nhật Ân không hề có cảm giác
quyến luyến bi lụy, mà ngược lại. Khi mũi dao cạo chạm vào đầu, trong lòng nó
chợt thấy lên một cảm giác quen thuộc tựa hồ nó đã từng làm việc này nhiều lần
ở đâu đó trong những kiếp sống trước…Với một niềm tin và lòng thành kính đã
được hun đức suốt mấy năm qua, nó chắp tay thật thẳng và khép nhẹ đôi mắt tránh
những sợi tóc rơi – những “dợi phiền não” đang được vứt bỏ…
“Hồi Bát nhã
chìm sâu vào vô tận
Mái tóc thề xin nguyện hướng Từ quy
Nương Phật đường mà phát thệ từ bi
Để hồn bướm thoát ly miền thế tục!”
Năm ấy, Nhật Ân vừa tròn mười sáu tuổi! Mười
sáu năm mơ mộng với đời, nay nó đã bỏ lại sau lưng để đến với một lý tưởng cao
hơn. Nó đã bước qua những ngày tháng vui chơi cùng bè bạn, bước qua cả những
ràng buộc gia đình, bỏ lại tương lai tươi đẹp mà mọi người đã vạch sẵn cho nó,
bước qua tất cả để được quỳ chân đấng Từ phụ. Mười sáu tuổi, nó đã xác định
được lý tưởng đúng đắn của đời mình. Mười sáu tuổi nó đã chọn cho mình một con
đường tuyệt vời mà biết bao người cả đời cũng không tìm thấy được. Mười sáu
tuổi, độ tuổi đáng lẻ mộng mơ yêu đương với đời, thì nó đã can đảm bỏ lại tất
cả để đến với màu nhiệm của đời sống phạm hạnh! Hoàn toàn thơ ngây và trong sáng,
nó bước đến với đạo, dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng thanh
cao… Thì đột ngột nó nghe tin mẹ mất, đi nhẹ nhàng như cởi bỏ một chiếc áo cũ
đã quá nhiều năm! Tâm hồn không chút vẫn đục của nó lần đầu tiên gợn sóng đau
thương, lần đầu tiên biết thế nào là nỗi đau mất đi người thân yêu nhất. Mùa hạ
an cư vừa mới bắt đầu… Liệu nó có thể vượt qua mà không để lại trong lòng chút
gì vương vấn…?
Ngày còn đi học, mỗi lần đi ngang một đám tang,
nó đều cảm thấy sợ hãi, nỗi sợ vô hình rằng một ngày nào đó sẽ phải buộc lên
tóc mình vành khăn trắng nghiệt ngã! Nó sợ rằng mình sẽ không đứng vững khi mất
đi một người thân nào đó trong gia đình. Khi xuất gia rồi, thỉnh thoảng nó vẫn
nghĩ đến nhưng đã là người con Phật –“năng liễu thế vô thường”, điều đó sợ nhất
đã không làm nó gục ngã như nó vẫn tưởng…“Không nên nghĩ rằng mình sẽ không
sống được khi thiếu một ai đó, càng không nên khiến mình không sống nỗi mỗi khi
phải rời xa họ! Chẳng ai có thể ở bên con suốt đời, kể cả cha mẹ của con, khi
cần, họ có thể giúp đỡ con, nhưng sẽ không thể nào trở thành một bộ phận của
cuộc đời con. Hãy kiên cường và dũng mãnh lên, là con gái của Đức Như Lai, con
sẽ phải độc hành, độc bộ trên con đường mình đã chọn.” Lời Thầy ấm áp chợt vọng
về trong tâm thức, xua tan những âu lo phiền muộn vẫn lan man trong đầu óc nó.
“Trong cuộc sống, không có niềm vui nào tồn tại mãi mãi, cũng không có nỗi buồn
thiên thu. Con à, định luật vô thường luôn chi phối vạn vật, biết khổ đau nhưng
đừng giữ lấy nỗi buồn, hãy tinh tấn lên để tu tập”.
Ừ nhỉ! Lục thân quyến thuộc chỉ là nhân duyên,
mẹ cha dù ruột thịt gắn bó ắt cũng phải có ngày từ biệt, chợt nhớ câu thơ mà nó
từng đọc:
“Hoa
nở để mà tàn
Trăng
tròn để mà khuyết
Bèo
hợp đề mà tan
Người
gần để ly biệt”.
Vậy thì cớ sao phải buồn rầu bi lụy khi nó đã
là một người xuất gia, luôn được dạy rằng: “Vạn hữu giai không”! Thế gian có
câu: “Tôi thấy tôi mất mẹ… là mất cả bầu trời!”. Nó mất đi bầu trời có mẹ,
nhưng giờ đây, nó có cả bầu trời siêu xuất thế gian – bầu trời thênh thang
không còn luyến ái, không vương tục lụy! Thầy đặt pháp danh cho nó là Nhật Ân,
nhắc nhở nó luôn phải ghi khắc trong lòng bốn ân sâu nặng mà một trong đó là ân
sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Muốn báo hiếu, trả ân cho người mẹ đã khuất,
nó chỉ cần một cách duy nhất là tu tập thật tinh cần, mới có thể hồi hướng cho
mẹ… Nó chợt nhớ đến những buổi lễ Trai tăng mấy ngày trước, nhớ đến lời tác
bạch mộc mạc chân thành của những Phật tử chân quê thuần thành: “… Chúng con vô cùng kính ngưỡng
hình ảnh trang nghiêm của quý sư trong chiếc y vàng giản dị thanh cao, quý sư
là những vị tu hành đã lìa bỏ danh vọng thế gian để chiến đấu với quân ma và
chiến thắng chính mình! Chúng con phước mỏng nghiệp dà, mê muội trong luân hồi
sinh tử, nay có duyên lành hội ngộ về đây, kính dâng lên quý sư chút phẩm vật
đơn sơ , hầu mong gieo chút phước lành trên mảnh ruộng phước đức cằn cõi của
chúng con…” Mỗi lần Trai phạn, Trai tăng hay khi thọ nhân vật cúng dường của
đàn na thí chủ, Nhật Ân đều nhớ đến lời Thầy dạy, nhớ đến bài học “viên đá mài”
mà từ ngày đầu bước chân vào cổng tam quan, Thầy đã hằng nhắc nhở: “người xuất
gia như viên đá mài, đàn việt dâng cúng phẩm vật như người mài dao, càng mài
dao càng sắc, hòn đá mài ngày càng mòn vẹt đi”.
Thầy luôn dạy bảo, sách tấn huynh đệ nó, không
khéo tu thì cũng như viên đá ấy, tức là phước đức ngày càng sụt giảm, còn thí
chủ thì tăng phước tăng thọ, người xuất gia một khi công đức không có, phước
báu không có hì chẳng những lẩn quẩn trong sinh tử luân hồi mà còn bị dọa lạc
trong tam đồ ác đạo. Cho nên cứ mỗi lần thọ nhận thứ gì, Nhật Ân đều cẩn trọng
thực hành đúng pháp Thầy dạy, không dàm lơ là, kể cả khi người thân trong gia
đình đến cúng dường. Mỗi lần như vậy, Nhật Ân luôn thầm cầu nguyện hồi hướng
cho tất cả…Mãi suy nghĩ hồi kẻng chỉ tịch vang lên lúc nào không hay. Nó đứng
dậy, hút một hơi thật dài và sâu… Nhẹ nhàng đến trước di ảnh của mẹ, nó thành
kính thắp lẹn một nén hương trầm. ngoài kia, làn gió thu nhẹ đưa văng vẳng
tiếng công trùng nỉ non, Nhật Ân chợt nhớ mấy câu thơ vừa đọc ban chiều:
“Khắc khoải
chiều nay cơn gió tạt
Rùng
mình em bé nhớ Vu Lan! ”
Ù nhỉ ! Cũng sắp đến Vu Lan rồi ! Mùa Vu
Lan đầu tiên không có hoa hồng đỏ…
Tạp chí Hoa Đàm số 24